Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Thống kê truy cập

Chi tiết tin

"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích"

Câu chuyện em học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng, L.S.V không biết đọc, không biết viết bị nhà trường buộc phải trả về học lại lớp 1 đang gây bão trong dư luận.

Qua câu chuyện này, người ta lại phanh phui thêm một số trường hợp khác tương tự.

Trong khi một nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với báo giới, còn rất nhiều trường hợp khác nữa, nhưng chỉ có điều nó vẫn ẩn nấp đâu đó và được che đậy một cách kỹ càng. [1]

Không ít phản hồi của bạn đọc về thông tin này tỏ ra không mấy ngạc nhiên. Thậm chí nhiều người cho rằng chuyện tương tự như em L.S.V ở Sóc Trăng không phải là hiếm.

Còn theo phản ánh của tác giả Tuệ Nguyên trên báo Thanh Niên ngày 4/10, căn bệnh ngồi nhầm lớp vẫn chưa chữa được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện ra căn bệnh này có lẽ từ năm 2006, khi phát động phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục."

Thời điểm đó, có những địa phương số học sinh ngồi nhầm lớp lên tới gần chục ngàn em.

Bộ cũng ra rất nhiều văn bản chỉ đạo khắc phục tình trạng này, bao gồm cả mô hình "sáng (lớp) 5, chiều (lớp) 1" đối với học sinh ngồi nhầm lớp.

Tới cuối năm ngoái 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục có văn bản gửi các sở để chấn chỉnh tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp". [2]

Giọt nước mắt em V. ám ảnh người viết, ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn.

Như vậy có thể thấy căn bệnh này đã vô cùng trầm trọng, bất thường đến mức vô cảm vì trở thành "bình thường" với nhiều người ối dào, biết rồi, khổ lắm nói mãi.

Giọt nước mắt tủi hổ của em V. cùng với con số "chục ngàn" học sinh ngồi nhầm lớp ở một địa phương từ 2006 mà báo Thanh Niên ngày 4/10 nêu ra khiến người viết giật mình, hoảng sợ thực sự.

Những ai sẽ phải chịu trách nhiệm với tương lai của những học trò như S, học 5 năm không biết đọc, không biết viết?

Nhiều người đã nhắc đến trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và thày cô bộ môn trực tiếp giảng dạy em V. trong 5 năm tại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành. 

Trong số đó, người đầu tiên lên án giáo viên là Hiệu trưởng trường này, bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh.

Tất nhiên, dù có nói thế nào đi nữa, thì trách nhiệm của những người trực tiếp dạy em S trong 5 năm học ở trường Lý Đạo Thành là không thể tránh khỏi. Bất cứ lý do gì cũng không thể biện minh.

Hiện tại chưa thấy thầy / cô nào trực tiếp dạy em V. lên tiếng. 

Tuy nhiên, em V. không phải trường hợp cá biệt, hãn hữu, mà lại là một trong số nhiều nạn nhân của sự dối trá trong môi trường sư phạm. 

Và thời gian ấy diễn ra quá lâu, 5 năm không ai nói ra, ngoài chính gia đình em, người mẹ không được học hành đã chủ động xin cho con ở lại lớp ít nhất 2 lần không được.

Vì thế, sẽ là bất công cho V. cũng như các giáo viên đứng mũi chịu sào trong việc dạy dỗ em, cùng nhiều giáo viên và học sinh khác bị lộ và chưa bị lộ, nếu như không tìm ra những người phải chịu trách nhiệm đẩy giáo viên, đẩy học sinh vào bước đường cùng này.

Người viết rất ấn tượng với chia sẻ của một giáo viên Trường Tiểu học Lý Đạo Thành được báo Thanh Niên dẫn lời cho biết:

"Giáo viên chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ chuyện xét danh hiệu thi đua cá nhân, áp lực của nhà trường khi đưa ra chỉ tiêu, áp lực từ phòng GD-ĐT khi xét thi đua trường... 

Vì thế, nhiều giáo viên cho “điểm khống” luôn để khỏi mất công và được khen nữa. Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích." [3]

Một kết luận thật chua chát: Cuối cùng, từ dưới cho đến trên đều dối nhau hết vì bệnh thành tích! 

Nói thẳng thường khó nghe. Nhưng thiết nghĩ để chữa tận gốc căn bệnh này, ngành Giáo dục và các địa phương, những người làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục cùng toàn xã hội nên bắt đầu bắt bệnh, bốc thuốc từ đây.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành không thể chối bỏ trách nhiệm

Bài báo của tác giả Việt Tường trên báo điện tử Zing ngày 4/10 cho biết, trả lời phỏng vấn của báo này, bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành cho hay:

Nam sinh lớp 6 bị Trường THCS Lê Vĩnh Hòa trả về đã được bố trí vào lớp 5/2. Sau buổi học lại, V. tỏ ra vui vẻ với bạn bè, không còn mặc cảm như nửa tháng trước. 

Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành trả lời phỏng vấn Chuyển động 24h, vtv.vn, ảnh chụp màn hình.

Bà Hạnh được Zing dẫn lời nói rằng: "Chúng tôi theo dõi V. học lại và quay clip để xem thế nào thì thấy em này đọc, viết được nhưng chậm. 

V. mắc chứng tự kỷ nên nhiều lúc ngồi cả giờ mà không chịu đọc, viết khiến mọi người hiểu nhầm. Khi tâm lý thật sự thoải mái, em vẫn làm được toán." [4]

Lần trước bà Hạnh giải thích mình "không biết vì giáo viên chủ nhiệm không báo cáo" trên Chuyển động 24h tối 1/10 một cách thiếu thuyết phục, ai cũng nghe thấy nếu xem chương trình này.

Điều đó cho thấy thái độ thiếu cầu thị, thiếu trách nhiệm cần có của một vị Hiệu trưởng.

Lần này bà Hạnh lại khiến người viết vô cùng thất vọng, nếu những lời báo điện tử Zing trích dẫn như trên là đúng.

Có lẽ bà Hạnh vô cảm với giọt nước mắt tủi phận của cậu học trò trường mình vì 5 năm học mà không biết đọc, không biết viết vẫn cứ phải lên lớp, không được ở lại lớp để học cho chắc, khi bà nói em "mắc chứng tự kỷ".

Đây là một hội chứng đặc biệt và phải được các chuyên gia y khoa về hội chứng này thăm khám, xác định để có phương án điều trị, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng, trong đó có hoạt động học hành.

Nếu em V. thực sự "mắc chứng tự kỷ" như bà Hạnh nói, thì khi nhận em vào học và phát hiện ra, trường Lý Đạo Thành cần trao đổi, tư vấn với phụ huynh học sinh về môi trường giáo dục, phương pháp giáo dục phù hợp với em.

Trường Tiểu học Lý Đạo Thành không thể để em mỗi năm một lớp, đàng hoàng nhận giấy chứng nhận hoàn  thành chương trình tiểu học như thế.

Còn khi nhìn vào ánh mắt của V., hai giọt lệ rơi xuống vì tủi hổ, vì tương lai bất định, người viết không tin rằng em "mắc chứng tự kỷ".

Ngược lại, người nói em mắc hội chứng này có lẽ đã quá vô cảm trước giọt nước mắt ấy, vì áp lực dư luận, vì sợ mất ghế hay một lý do nào đó.

Do đó người viết thiết nghĩ, cá nhân bà Hạnh nên xét lại chính mình, bởi người làm giáo dục, dạy người tối thiểu phải có sự trung thực và trách nhiệm.

Người lớn nói dối khó mong trẻ em trung thực. Thày cô nói dối, làm sao dạy được học trò trung thực?

Còn về phần quản lý nhà nước, có lẽ ngành Giáo dục Sóc Trăng cũng cần có biện pháp xử lý cụ thể.

Tác giả: Hồng Thủy

Nguồn tin: http://giaoduc.net.vn

[Trở về]

Các tin cũ hơn:

BẢN QUYỀN THUỘC TRƯỜNG MẪU GIÁO PHƯỚC MỸ
Địa chỉ: Thôn 3- Xã Phước Mỹ- Huyện Phước Sơn, Quảng Nam
Điện thoại: 0975277661 - 01657988091
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)